Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Inception trong kinh doanh - Gieo mầm ý tưởng vào tiềm thức người khác

Nếu đã từng xem bộ phim Inception, chắc hẳn bạn sẽ bị chinh phục và hấp dẫn bởi khả năng điều khiển tâm trí của người khác theo ý muốn của bản thân bằng cách gieo những mầm ý tưởng vào tiềm thức của người ấy.

Trên thực tế, bạn không cần phải xây dựng 3 thế giới hoàn hảo, kín kẽ để có thể lái suy nghĩ của người khác theo những gì bạn muốn. Có rất nhiều cách đơn giản để có thể thay đổi suy nghĩ của người khác.

Bạn đã bao giờ thấy những bà nội trợ dễ dãi bỏ tiền mua đồ mặc dù trước đó họ vẫn biết những món đồ này là không cần thiết? Bạn đã bao giờ thấy những lời cảnh báo ở khắp mọi nơi về kinh doanh đa cấp nhưng vấn rất nhiều "chú thiêu thân" lao đầu theo những "ngọn lửa đa cấp" này? Xung quanh bạn tồn tại rất nhiều người nắm bắt rõ công thức điều khiển trí óc của người khác.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương pháp điều khiển hành động của người khác để có thể chống lại chúng(Hoặc thậm chí là sử dụng những phương pháp này khi cần đến).

1. Phép đảo nghịch tâm lý

Xin đừng hiểu nhầm về từ "đảo nghịch". Nếu bạn muốn ngăn một người đang định tự tử lại thì những câu nói giống như: "Tôi chẳng quan tâm bạn có nhảy xuống hay không!" chắc chắn không hợp chút nào.

Ngay cả khi lấy ví dụ một cách nhẹ nhàng hơn như khi bạn muốn người ở cùng phòng với mình lo công việc rửa bát thì câu nói: "Tôi chẳng quan tâm bát đũa có được rửa sạch hay không. Hôm nay đến lượt cậu làm!" đôi khi sẽ kết thúc bằng việc chính bản thân bạn phải lo rửa đống bát đũa bẩn.

Và nếu như đã lấy ví dụ ở trên, chúng ta sẽ cùng giả định rằng người bạn cùng phòng của bạn khá lười biếng và chắc chắn sẽ không nghe theo những câu nói thẳng thắn và họ sẽ đùn đẩy, trốn tránh công việc cho đến khi chính bạn phải làm việc này.

Hãy thử sử dụng: "Tôi quyết định chuyển sang dùng đĩa giấy để khỏi phải rửa. Nếu cần thì cứ đưa tiền đây, tôi sẽ mua giúp cậu mấy cái.". Hoặc ở mức độ gay gắt hơn: "Nếu không muốn rửa thì đập đi cũng được.".

Liệu pháp đảo nghịch tâm lý là nêu ra những ý kiến ngớ ngẩn, khó chấp nhận để có thể khiến đối phương phải làm những gì bạn thật sự muốn họ làm. Ngay cả trước khi tìm tài liệu viết bài, tôi cũng đã được "phụ huynh" của mình ép phải rửa bát bẳng phương pháp này nhiều lần.

Đối với những công ty sản xuất, trong mỗi lần quảng cáo của mình, họ đều so sánh sản phẩm của mình với một "sản phẩm thường" nào đó. Ở đây có thể hiểu tất cả những sản phẩm cùng loại với sản phẩm đang xuất hiện trong đoạn quảng cáo đều là "sản phẩm thường" và chắc chắn bạn sẽ thấy sản phẩm chính trong đoạn quảng cáo có ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với những "sản phẩm thường".

Như vậy, thay vì sử dụng phép đảo nghịch tâm lý bằng lời nói của mình, những nhà sản xuất để cho ý tưởng "Mua những sản phẩm khác là ý tưởng ngớ ngẩn." tự hiện lên trong tâm trí của người mua hàng.

Tuy nhiên, phép đảo nghịch tâm lý nhiều khi không hiệu quả (Khi đối tượng quá cứng đầu), hãy thử scroll xuống mục tiếp theo và nghiên cứu phương pháp khác để hạ gục cái đầu cứng này.

2. Chậm rãi

Phương pháp được nêu ở trên có thể thành công ngay khi vừa sử dụng, tuy nhiên, đôi khi phép đảo nghịch không hiệu nghiệm và bạn phải tìm đến phương pháp cổ điển hơn. Hãy chậm rãi, từ từ đưa ý tưởng của bạn vào đầu óc của đối phương, "mưa dầm" chắc chắn sẽ "thấm lâu". Tất nhiên vũ khí của bạn vẫn là những lời nói.

Cũng như phương pháp được nêu ở phần trước, ở phương pháp này (Hay bất cứ phương pháp thay đổi suy nghĩ nào khác) bạn không bao giờ được phép nói thẳng với đối phương về những gì bạn muốn họ làm (Nếu như đã có thể nói thẳng điều bạn muốn người khác làm nghĩa là bạn có thể ra lệnh thì không phải mất công tìm hiểu những gì chúng ta đang nói nữa).

Thay vào với những lời nói thẳng, hãy nói lèo lái câu chuyện vòng quanh những gì bạn muốn người khác thực hiện.

Chắc chắn những người tiếp thị, những nhân viên bán bảo hiểu không thể bán sản phẩm của họ ngay trong lần hẹn gặp đầu tiên.

Để giúp đợ việc bán sản phẩm lên thị trường, những công ty này sẽ sử dụng các phương tiện truyền thông quảng cáo để tạo nên tên tuổi cũng như niềm tin hoặc ít nhất là chút gì đó hiểu biết của người mua hàng đối với sản phẩm của họ.

Lúc này, những người bán hàng sẽ đến gõ cửa một khu vực nào đó trong thành phố, thị xã và tiếp tục chiến dịch quảng cáo của họ. Mặt khác, những cửa hàng lại được những công ty sản xuất tặng cho những giá treo đồ, những tủ đựng hàng mang nhãn mác của công ty đó.

Tất cả những hành động này sẽ tạo cho người mua hàng cảm giác rằng công ty sản xuất đó lớn mạnh, uy tín và mặt hàng đó thực sự tốt, chất lượng cao, được nhiều người tin dùng. Thay vì nói thẳng với khách hàng rằng: "Hãy mua sản phẩm của chúng tôi." thì họ sẽ để tự bạn đưa ra kết luận đó cho bản thân.

Vậy qua công nghệ quảng cáo mà hàng ngày vẫn nhìn thấy trên TV, chúng ta có thể hiểu được những gì phải làm để thực hiện phương pháp điều khiển một con người theo cách từ tốn, chậm rãi nhưng vô cùng chắc chắn này.

Thứ nhất , phải đảm bảo kiên trì, dai dẳng.

Thứ hai , không bao giờ được nói thẳng về những gì bạn muốn.

Thứ ba, hãy vòng quanh ý tưởng về việc điều bạn muốn đối phương làm có hiệu quả và hữu ích đến đâu (Tuy nhiên, luôn cẩn trọng vì nếu tỏ ra quá nhiệt tình, háo hức sẽ khiến đối phương nhận ra ý định của bạn).

Suy cho cùng, tuy phương pháp này tốn rất nhiều thời gian nhưng lại hiệu quả khá cao đối với người bình thường. Đối với người bán hàng, chúng ta vẫn còn một phương pháp thường gặp dưới đây.

3. Bán giảm giá

Có rất nhiều phương pháp bán giảm giá đang tồn tại trên thị trường. Phương pháp bán giảm giá thường gặp nhất đó là treo biển giảm giá một số phần trăm nào đó so với giá gốc.

Điều này chắc chắn sẽ kích thích được tâm lý thích dùng hàng đẹp nhưng "rẻ hơn bình thường" của những người mua hàng (Suy cho cùng thì trong thời buổi hiện tại ai cũng muốn tiết kiệm đi một chút gì đó).

Tuy nhiên, ẩn sâu trong những chương trình giảm giá thực sự còn tồn tại rất nhiều góc khuất. Có thể tạm hiểu trong phương pháp bán giảm giá này tồn tại 2 phương pháp để có thể câu khách mà người bán không sợ bị thua lỗ.

Phương pháp đầu tiên đó là nâng giá lô sản phẩm lên gấp nhiều lần so với giá thành sản xuất ngay từ đầu và khi đã thu được kha khá tiền lời thì họ sẽ bắt đầu một đợt giảm giá ngắn để tạo danh tiếng cũng như uy tín cho sản phẩm.

Phương pháp này có thể được các đại lý hoặc thậm chí là chính nhà sản xuất sử dụng. Phương pháp thứ hai đó là đột ngột nâng mức giá của sản phẩm giảm giá lên sao cho số tiền bán ra trong lúc khuyến mãi không khác mấy so với giá bán lúc bình thường.

Một sản phẩm trị giá 100 USD sẽ được nâng lên 150 USD trong thời gian khuyến mãi và sau khi giảm giá 30% thì mức giá vẫn quay lại với giá gốc nhưng khách hàng do mong tiết kiệm được chút gì đó vẫn vui vẻ mua hàng.

Phương pháp này thường được các cửa hàng nhỏ sử dụng.

Mục đích của việc bán giảm giá chính là đánh lừa cảm nhận của đối tượng, tạo cho đối tượng cảm nhận sai về bản thân nhằm tạo uy tín hoặc gây dựng sự tin tưởng mà không thiệt hại đáng kể.

Nếu muốn áp dụng phương pháp này đối với một cá nhân nào đó, hãy luôn nhớ phải bỏ ra hoặc ít nhất là làm như bạn đã bỏ ra một phần nào đó rất lớn để đối tượng được hưởng thụ, từ đây, sau khi niềm tin đã được gây dựng, tất cả những gì phải làm đó là nhẹ nhàng "nhờ vả".

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Tiếp thị thần kinh học: Chìa khoá giải mã bộ não khách hàng

Một lĩnh vực được gọi là Tiếp thị thần kinh học (NeuroMarketing) - sự phối kết hợp của thần kinh học, nghệ thuật tiếp thị và công nghệ - đã xuất hiện và gây sự chú ý lớn trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Những nghiên cứu mới nhất về xu hướng tiếp thị đặc biệt này có thể giúp bạn biến các khách hàng tiềm năng thành những khách hàng chính thức, cũng như tạo dựng được lòng trung thành suốt đời cùng các khách hàng cuồng nhiệt nhất.

- Doanh nghiệp bạn đã từng bao giờ băn khoăn...

- Tại sao những sản phẩm chất lượng thấp nhất và giá cao nhất vẫn được bán chạy?

- Tại sao và như thế nào các khách hàng vẫn mua một số sản phẩm/dịch vụ, khi mà lựa chọn của họ không thực tế và thiếu hợp lý?

- Tại sao một vài nhãn hiệu được sùng bái trong khi nhiều nhãn hiệu khác có lòng trung thành ở con số không tròn trĩnh?

Tiếp thị thần kinh học: Chìa khoá mở cửa bộ não khách hàng!

Trong tiếp thị truyền thống, chúng ta được khuyên rằng ... "tuân thủ đúng các công thức đã được kiểm chứng về các tiêu đề, lợi ích và bảo đảm thoả mãn lôi cuốn khách hàng và rồi kêu gọi hành động, doanh số bán hàng của bạn sẽ tăng vọt".

Quả vậy, thậm chí cả những nhà tiếp thị hàng đầu có thể chứng thực rằng các chiến dịch thành công  phần nào dựa trên các yếu tố đó. Song không phải chiến dịch nào cũng như nhau.

Và cho đến bây giờ ...

Khoa học thần kinh và khoa học hành vi - chẳng hạn như NLP (Chương trình Ngôn ngữ Thần inh - Neuro Linguistic Programming) - tất cả đều khẳng định rằng:

"Tiềm thức của chúng ta – không phải là ý thức chủ quan – đóng vai trò định hướng cách thức chúng ta phản ứng với các quảng cáo, nhãn hiệu, sản phẩm và cuối cùng là định hướng tất cả các quyết định mua hàng của chúng ta. Các khách hàng không thực sự biết tại sao họ mua những gì họ mua, đó là lý do các nghiên cứu tiếp thị truyền thống thường không hiệu quả".

Chính cấu trúc của bộ não sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho vấn đề được nhiều nhà tiếp thị quan tâm này.

Bộ não và yếu tố quyết định mua hàng

Theo các nhà khoa học thần kinh, bộ não có 3 thành phần chính, mỗi bộ phận đảm nhận một chức năng riêng biệt. Những "bộ não con" này - ẩn chứa bên trong bộ não lớn - sẽ bao gồm:

* Bộ não "Con người" ("Mới", hay ngoài cùng): Phần tiến hoá nhất của bộ não được biết đến với tư cách vỏ não. Chịu trách nhiệm cho các suy nghĩ lôgic, ý thức, ngôn ngữ, học tập và các tính cách con người.

* Bộ não "Động vật" (Ở giữa): Được biết đến như hệ thống phản ứng của con người. Chịu trách nhiệm cho cảm xúc, tâm trạng, trí nhớ và hócmôn.

* Bộ não "Bò sát" (Già nua): Được biết đến như sự kiểm soát tự nhiên đối với các chức năng tồn tại cơ bản của con người như đói, thở, phản xạ hay bản năng tránh xa nguy hiểm.

Trong khi Tiếp thị Thần kinh học vẫn là một lĩnh vực hết sức mới mẻ với nhiều câu hỏi chưa được trả lời thì có một vấn đề đã khá rõ ràng và được kiểm chứng: Bộ não "Bò sát" (hay còn gọi là Bộ não "Già nua") định hướng các quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Theo tác giả Erik du Plessis trong cuốn sách The Advertised Mind, bộ não "Bò sát" điều chỉnh tất cả quá trình ra quyết định nhanh chóng.

Còn Clotaire Rapaille - chủ tịch kiêm nhà nghiên cứu tiếp thị của hãng Archetype Discoveries Worldwide đã khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng: "Loài bò sát luôn thắng. Tôi không quan tâm những gì về mặt trí tuệ bạn nói với tôi. Tại sao? Bởi vì bò sát luôn thắng".

Để nâng cao doanh số, lòng trung thành và nhãn hiệu, bạn phải hiểu được "điểm nóng bò sát" của các khách hàng. Một thông điệp "vỏ não" chẳng hạn "Hãy mua sản phẩm của tôi vì nó rẻ hơn 20%" sẽ không mua được lòng trung thành người tiêu dùng.

Doanh nghiệp nào khơi dậy được những phản ứng "bò sát" đầu tiên sẽ chiến thắng. Đó là lý do tại sao hãng Coke sau nhiều năm vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường nước giải khát.

Bộ não "Bò sát" và Lợi nhuận: 7 yếu tố không thể bỏ qua về cách thức và lý do người tiêu dùng mua hàng

Bộ não "già nua" của chúng ta thường lấn át các suy nghĩ logic và định hướng tất cả các quyết định mua hàng cho những lý do vượt khỏi nhận thức lý trí.

Để tác động lên quyết định mua hàng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải biết rõ cách thức bộ não "bò sát" vận hành và nói đúng ngôn ngữ của nó. Và có 7 vấn đề quan trọng về bộ não này cần được quan tâm thấu đáo giúp bổ sung giá trị kinh doanh cho doanh nghiệp

1. Bộ não "bò sát" được định hướng bởi cảm xúc

Bộ não "bò sát" của chúng ta vận hành một cách tự động, như một chiếc máy phản hồi tác nhân kích thích. Các cảm xúc nảy sinh một cách tự nhiên theo những kích thích giác quan. Mùi vị cửa hàng, âm thanh xung quanh, cảnh quan khu vực,... tất cả đều khơi dậy các phản ứng cảm xúc vô thức.

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong các quyết định mua hàng của chúng ta. Các chuyên gia kinh doanh nhắc nhở chúng ta rằng trong một nền kinh tế thừa thãi hàng hoá như ngày nay, tình cảm của người tiêu dùng sẽ định hướng quyết định mua hàng và con số lợi nhuận.

Yêu cầu mới bắt buộc đối với các doanh nghiệp đó là tiếp cận và lôi kéo tình cảm của người tiêu dùng.

Chào mừng đến với "Nền kinh tế Cảm xúc".

Bài học rút ra: Càng khuấy động nhiều cảm xúc liên quan tới sản phẩm hay dịch vụ bao nhiêu, doanh nghiệp bạn càng có nhiều cơ hội có được tình cảm của khách hàng và ảnh hưởng tới hành vi mua hàng của họ bấy nhiêu.

2. Bộ não "bò sát" quyết định các nền tảng sự cần bằng giữa được lợi và mất mát

Hai yếu tố cơ bản định hưởng lên tất cả hành vi và quyết định của con người đó là tìm kiếm sự thoả mãn và tránh xa đau đớn hay mất mát. Theo Kevin Hogan, tác giả cuốn sách Khoa học Ảnh hưởng (The Science of Influence), hầu hết mọi người phản ứng lại với nỗ sợ mất mát và đe doạ đau đớn theo cách thức đặc biệt hơn việc họ có được cái gì đó.

Người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào việc không bị đau đớn hay mất mát so với nhu cầu cảm thấy tuyệt vời khi ra một quyết định nào đó. Tỷ lệ chệnh lệch 2,5:1 giữa việc tránh xa mất mát và cảm giác thỏa mãn cho thấy tầm quan trọng của mất mát trong bộ não người tiêu dùng. Làm thế nào để chiến thắng và có được sự cân bằng đối với chênh lệch đau đớn, mất mát & được lợi?

Bài học rút ra: Chuyên gia tiếp thị nổi tiêng Seth Godin diễn giải thông qua Đường cong Tận hưởng/Tiền bạc (Joy/Cash Curve) của ông rằng những giao dịch mua sắm giá trị cao thường tạo ra sự đau đớn/mất mát mua sắm nhiều hơn.

Giải pháp của Seth Godin là các doanh nghiệp cần bổ sung nhiều hơn lợi ích, niềm vui sướng và sự thoả mãn vào quy trình mua sắm. Theo Godin, khi doanh nghiệp tạo dựng niềm vui trong mua sắm, doanh nghiệp thực sự tại lập lại "thước đo giá trị" của khách hàng. Hãy tìm kiếm những cách thức để bổ sung niềm vui cho khách hàng vào quy trình mua sắm của doanh nghiệp?

3. Bộ não "bò sát" chịu sự ảnh hưởng lớn bởi bắt đầu và kết thúc

Các nghiên cứu đã khẳng định rằng sự bắt đầu và kết thúc của một sự kiện hay một trải nghiệm sẽ thay đổi nhận thức của chúng ta về toàn bộ trải nghiệm. Những ấn tượng ban đầu của chúng ta sẽ trở thành bộ lọc cho cách thức chúng ta nhận thức những gì cần thực hiện theo. Những trải nghiệm gần đây nhất sẽ để lại một ấn tượng cuối cùng với trọng lượng lớn hơn.

Bài học rút ra: Trong tiếp thị, để thông điệp của các doanh nghiệp được chấp nhận, việc tạo ra ấn tượng ban đầu mạnh mẽ là rất quan trọng – có thể là một câu truyện hấp dẫn, một nụ cười thân thiện,....

Cũng như vậy, cho dù khách hàng có được một trải nghiệm thú vị hay không thú vị đối với sản phẩm hay doanh nghiệp, những trải nghiệm gần đây nhất sẽ có tầm ảnh hưởng tới các quyết định mua hàng trong tương lai lớn hơn tất cả các trải nghiệm trước đó cộng lại.

Những ấn tượng nào các doanh nghiệp có thể để lại cho khách hàng trong một vài giấy gặp gỡ đầu tiên hay trong một vài câu nói ban đầu? Sự tiếp xúc khách hàng gần đầy nhất đã đẩy mạnh hay huỷ hoại việc mua sắm lặp lại của khách hàng ra sao?

4. Bộ não "bò sát" chịu sự định hướng thị giác và phản ứng nhanh chóng với các hình ảnh

Từ thời điểm sinh ra trên đời, chúng ta có thể thấy các hình ảnh và liên tưởng tới ý nghĩa của nó. Trong giao tiếp, chúng ta được dạy rằng 65% của cách thức thông điệp chúng ta được nhận là thông qua yếu tố sinh lý tự nhiên (hay qua cơ quan thị giác.

Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng ấn tượng đầu tiên của một ai đó về chúng ta được dựa nhiều trên hình thức sinh lý vật chất. Trong mỗi trường hợp, đó là việc bộ não "bò sát" của chúng ta phản ứng mau lẹ qua cơ quan thị giác, chứ không phải cơ quan thính giác. Ngôn từ là lĩnh vực của vỏ não (bộ não "con người") và đứng thứ hai trong quy trình ra quyết định mua hàng.

Bài học rút ra: Hãy đẩy mạnh và đưa ra các thông điệp tiếp thị then chốt của doanh nghiệp trên cơ sở hình ảnh, chẳng hạn như các thiết kế của sản phẩm, hình ảnh trong quảng cáo, bao bì bên ngoài,... Nơi nào doanh nghiệp có thể đẩy mạnh về mặt hình ảnh đối với nhãn hiệu và những kết nết cảm xúc với các khách hàng?

5. Bộ não "bò sát" nhận thức "nỗi đau mua sắm" trong các điều kiện có liên quan, chứ không phải điều kiện xác đáng

Khoa học thần kinh nói với chúng ta rằng "nỗi đau" trong bộ não "bò sát" được kích hoạt chủ yếu qua giá cả, không phải trong những điều kiện xác thực rõ nét mà trong những điều kiện có liên quan, chẳng hạn như công bằng & bất công, hay sử dụng thay thế đồng tiền.

Vì vậy, cách thức doanh nghiệp diễn giải hay định hình các giá cả có thể khiến các khách hàng rời bỏ. Làm thế doanh nghiệp có thể giảm thiểu sự kích hoạt những nỗi đau trong trí não khách hàng liên quan tới giá cả?

Bài học rút ra: các chiến lược then chốt bao gồm:

* Tránh xa yếu tố giá cả bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu (điều mà sẽ kích hoạt sự đau đớn trong bộ não "bò sát").

* Sử dụng việc định giá "trọn gói" so với định giá từng thành phần cá nhân (bởi việc định giá từng thành phần cá nhân sẽ gây đau đớn hơn trong bộ não "bò sát").

* Chuỗi các đầu tư nhỏ lẻ từng phần ("bite-size") thay cho một khoản đầu tư lớn như kiểu của Netflix.

6. Bộ não "bò sát" chỉ hiểu duy nhất những gì hữu hình, vật chất và cụ thể

Theo Patrick Renvoise, bộ não "bò sát" không ngừng ghi nhận những gì thân quen và hữu hình. Nó không hiểu được các con số hay các thuật ngữ trừu tượng, chẳng hạn "giải pháp toàn diện" hay "phương thức tích hợp".

Bài học rút ra: Để nói chuyện với bộ não "bò sát", các doanh nghiệp phải sử dụng các lợi ích hữu hình, đó chính là những gì một khách hàng sẽ nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, ngửi thấy, sờ thấy.

Ví dụ, một lời hứa "hạnh phúc lớn hơn" là một câu nói sai ngữ pháp với bộ não "bò sát". Thay vào đó, hãy nói với các khách hàng rằng làm thế nào mà họ sẽ thức dậy vào mỗi sáng với một nụ cười thoải mái. Hay sử dụng các phép ẩn dụ (chẳng hạn liên tưởng dịch cụ của bạn như một chào mời "Cadillac") để tạo ra các lợi ích hữu hình hơn.

7. Tầm kiểm soát của bộ não "bò sát" đối với các quyết định mua hàng là khác nhau tuỳ thuộc vào văn hóa

Theo nhà nghiên cứu thị trường Clotaire Rapaille, một vài nền văn hoá rất mang tính "bò sát", chẳng hạn như văn hoá người Mỹ. Người Mỹ muốn thù lao và sự hài lòng ngay tức khắc.

Trong khi đó, nhiều nền văn hoá khác như Pháp hay Đức thì mang tính "vỏ não" và có định hướng kiểm soát. Khuynh hướng của họ là suy nghĩ về những gì đang làm.

Bài học rút ra: Các doanh nghiệp cần thích nghi các giao tiếp tiếp thị của mình với từng nền văn hoá và phần nào trong bộ não của họ định hướng các quyết định mua hàng. Hãy sử dụng sự lôi cuốn cảm xúc với người Mỹ và lý trí logic với các nền văn hoá châu Âu.

Trong khi Tiếp thị Thần kinh học vẫn trong giai đoạn trứng nước, nó có sức ảnh hưởng lớn mang tính cách mạng đối với cách thức chúng ta tiếp thị các sản phẩm hay dịch vụ của mình. Điều quan trọng nhất ở việc sử dụng nó vì những lý do thích hợp.

Và từ đó, Tiếp thị Thần kinh học được xem như một con đường để hiểu sâu hơn về các khách hàng và cuối cùng là phục vụ họ tốt hơn. Khi được sử dụng theo đúng như vậy, nó có thể có tác động lớn lên doanh thu và lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp.

Theo Bwpotal

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Tiếp thị đồng cảm

Bạn dành rất nhiều thời gian để làm khách hàng hiểu bạn. Hãy dành thêm nhiều thời gian nữa để chắc chắn bạn cũng hiểu khách hàng.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Hầu hết người tiêu dùng đều tỏ ra thận trọng với chi tiêu.

Vì thế, chỉ có sự hiểu biết khách hàng toàn diện mới có thể thuyết phục được họ chi tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nói cách khác, khách hàng muốn biết rằng bạn đồng cảm với những thách thức mà họ phải đối mặt. Để đáp ứng nhu cầu này, các chuyên gia bán hàng có lời khuyên như thế này:

Quản lý trải nghiệm khách hàng. Các công ty quản lý chặt chẽ trải nghiệm khách hàng đã áp dụng một phương pháp tiếp cận nghiêm túc nhằm điều chỉnh mức dịch vụ và tiết kiệm chi phí mà không làm suy giảm mức dịch vụ đó hoặc sự thoả mãn của khách hàng.

Sự suy giảm trong mức độ thỏa mãn của khách hàng là không đáng kể, nhưng khoản tiền tiết kiệm trong bố trí nhân viên là rất lớn và phần nhiều trong số tiền này được tái đầu tư vào việc cải thiện quy trình giải quyết vấn đề của công ty. Bên cạnh đó, tìm kiếm và trình bày những điều có ích cho công việc hằng ngày của khách hàng, chẳng hạn làm cho công việc trôi chảy, thuận lợi hơn, hoặc giảm thiểu rủi ro hay nâng cao tầm nhìn của họ...

Tổ chức các nhóm không chính thức. Bạn không cần một ngân sách rất lớn và các nhà tư vấn tiếp thị để đánh giá ý kiến khách hàng.

Thay vào đó, chỉ đơn giản là mời 8-12 người tham dự một nhóm tập trung không chính thức. Hỏi họ lý do tại sao mua hàng, làm thế nào họ biết về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, và làm thế nào để khắc phục một vấn đề mà họ gặp phải...

Ngôn ngữ đồng cảm. Khi giao dịch với một khách hàng không hài lòng, hãy nhớ sử dụng ngôn ngữ để biểu hiện cho thấy rằng bạn hiểu và quan tâm đến họ.

Không làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách bảo vệ sản phẩm hoặc dịch vụ thay vì thừa nhận sự thất vọng của khách hàng, hay đề nghị một giải pháp. Hãng Hyundai cho phép trả lại xe ô tô (mà không bị phạt) nếu khách hàng bị mất công việc là ví dụ điển hình nhất trong "tiếp thị đồng cảm", chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình.

Theo Hockinhdoanh

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Truyền thông nội bộ: Vũ khí không thể lãng quên

Hoạt động giao tiếp và truyền thông nội bộ doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc có tinh thần hợp tác cao giữa các nhân viên.

  • 2012 và những xu hướng truyền thông thời bùng nổ công nghệ thông tin
  • Bí quyết khuynh đảo truyền thông xã hội của danh ca Snoop Dogg
  • 43% DN toàn cầu sử dụng truyền thông xã hội

Khi được cập nhật đầy đủ và thường xuyên thông tin về những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, nhân viên sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn trong công việc.

Theo Brad Egeland, một chuyên gia tư vấn quản lý dự án đã có 24 năm kinh nghiệm về quản lý và phát triển nhân lực trong các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, hàng không, du lịch và lữ hành (địa chỉ trang web: http://www.bradegeland.com), để xây dựng môi trường truyền thông hiệu quả tại doanh nghiệp, các nhà quản trị nên thực hiện những việc sau đây.

Tổ chức các cuộc họp hằng tuần cho các nhóm.  Việc truyền thông thường xuyên đóng một vai trò rất quan trọng.

Thông qua các cuộc họp này, nhân viên sẽ được cập nhật thông tin về những diễn biến gần nhất xảy ra cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, chẳng hạn ai mới được thăng chức, vấn đề gì phức tạp vừa xảy ra, việc gì đang còn tồn tại, cần giải quyết rốt ráo.

Đây cũng là dịp để nhân viên trao đổi và đưa ra các thắc mắc.

Gửi bản tin hằng tuần.  Tương tự như các cuộc họp hằng tuần, doanh nghiệp nên gửi cho toàn thể nhân viên các bản tin hằng tuần, điểm lại các diễn biến trong tuần qua và các kế hoạch hành động trong tuần kế tiếp.

Gặp gỡ từng nhân viên mỗi tháng một lần.  Việc làm này thể hiện sự quan tâm của sếp với các nhân viên.

Nên xem những cuộc gặp gỡ như vậy là những buổi trao đổi thân mật để sếp tìm hiểu nhân viên đang làm việc ra sao, có những tiến bộ nào, đang gặp những khó khăn gì trong công việc. Tất nhiên, nhân viên sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi được sếp quan tâm kỹ như vậy.

Tạo điều kiện để nhân viên xây dựng quan hệ với những khách hàng quan trọng nhất.  Các nhà quản trị giỏi rất biết chuyển giao bớt công việc và thẩm quyền quyết định trong công việc cho vài nhân viên giỏi khi họ đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm điều hành.

Chẳng hạn, trong các cuộc họp với những khách hàng quan trọng, họ tạo cơ hội cho nhân viên vào vai là người dẫn dắt chương trình. Điều này sẽ giúp nhân viên thêm tự tin và có cảm giác họ đang làm chủ công việc. Mặt khác, sếp cũng giảm bớt được áp lực trong công việc.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa hằng quý cho nhân viên.  Đây có thể là một khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ có ngân sách hạn hẹp, nhưng thực tế cho thấy những hoạt động ngoại khóa như xây dựng đội nhóm (team building) sẽ giúp các nhân viên hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Khi quan hệ đồng nghiệp được thắt chặt, các nhân viên sẽ cởi mở với nhau hơn và dễ dàng chia sẻ cho nhau không chỉ các thông tin cần biết, mà còn cả kỹ năng làm việc nữa.

Theo Đông Dương

Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Marketing Grammar – Ngữ pháp trong tiếp thị

  Theo haynhat

Bạn hãy nghĩ về những chiếc xe ôtô Mercedes và miêu tả nó trong một từ. Gần như chắc chắn đó là "sang trọng". Bây giờ hãy nghĩ về chiếc xe ôtô Volvo và cũng miêu tả nó trong một từ. Liệu từ "an toàn" có xuất hiện trong tâm trí bạn?

Rất nhiều chuyên gia về nhãn hiệu đã đúng: Bạn sẽ không thể đi xa mà không có "ngữ pháp" riêng của bạn. Việc có được một ngữ pháp tiếp thị (marketing grammar) thích hợp với ngôn ngử sử dụng chuẩn xác là rất quan trọng để mọi người hiểu rõ về bạn.

Hiện nay, đối với không ít công ty, ngữ pháp tiếp thị vẫn còn là một khái niệm xa lạ Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều khách hàng rất hay nhầm lẫn và khó hiểu về những gì mà họ cung cấp. Vậy ngữ pháp tiếp thị là gì?

Ngữ pháp tiếp thị đơn giản tập trung vào danh từ, động từ và tính từ. Khi bạn ngồi xuống và sử dụng bộ não để phân tích chi tiết hơn, bạn có thể xác định được ngữ pháp cho công việc tiếp thị của bạn.

Theo cách đó, không chỉ công ty của bạn nhận thức rõ ràng về những sản phẩm/dịch vụ mà mình đang cung cấp mà cả người mua cũng có thể xác định được nó qua một câu duy nhất bao gồm một danh từ. một động từ và một tính từ.

Hãy bắt đầu với danh từ!

Danh từ được xem là hạt nhân của định nghĩa nhãn hiệu.Ví dụ, danh từ cho Mercedes sẽ là "chiếc xe ôtô" (car) và cho Coca-Cola sẽ là "đồ uống" (drink). Mọi tên nhãn hiệu sẽ được thể hiện thông qua một danh từ riêng biệt.

"Một danh từ tiếp thị" (marketing noun) định hình nên nền tảng của chiến lược như thế nào? Câu hỏi sau đó sẽ là: "Xe ôtô" có phải là danh từ cho BMW, Volvo và Mercedes? Vừa có vừa không. Danh từ như một chất gia vị giúp bổ sung thêm hương vị cho món ăn.

Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị lựa chọn , danh từ có thể là "hòn đảo" (island) hay "quốc gia" (country). Nó đều là một danh từ, nhưng từ này sẽ mang hình ảnh hoàn toàn khác biệt với từ khác và vì vậy chúng sẽ bắt đầu cho những chiến lược khác nhau.

Tương tự, BMW đã tái xác định danh từ của hãng từ "chiếc xe ôtô" (car) thành "chiếc máy" (machine) và Coke cũng có thể xác định "đồ uống" (drink) của họ như "đồ giải khát" (refresher). Đây sẽ là khối đá xây dựng, khối bê tông vững chắc nhất mà trên đó bạn sẽ tạo ra ngữ pháp tiếp thị của mình.

Bức tranh các tính từ "đậm nét", "ý nghĩa", "mạnh mẽ",…

Bạn hãy thử thật nhanh chóng chỉ ra các tính từ cho: Marlboro, Apple Computers, Pepsi, Heineken và Rolls Royce. Nếu kết quả của bạn là: "đấng nam nhi", "khác thường", "trẻ trung", "cao quý" và "xuất sắc", thì bạn đúng là một người sành sỏi về các nhãn hiệu.

Mỗi một nhãn hiệu này gắn chặt với một tính từ, đồng thời sở hữu một "tính từ" trong hạng sản phẩm. Vì vậy, Rolls Royce có thể rất "xuất sắc" (classy) trong lĩnh vực sản xuất xe ôtô, trong khi Rolex cũng sở hữu sự "xuất sắc" (classy) trong lĩnh vực đồng hồ đeo tay, hay tương tự với Armani trong lĩnh vực thời trang.

Tuy nhiên một khi đã sở hữu nó, thì đó sẽ là tài sản cần nắm giữ. Tất cả những gì liên quan tới nhãn hiệu được gắn chặt xung quanh "tính từ". Vì vậy nếu bạn có ý định sử dụng "danh từ" và "tính từ" kết hợp với nhau chẳng hạn như "tối thượng" (ultimate) và "cỗ máy lái xe" (driving machine), bạn sẽ rất khó thoát khỏ hình bóng BMW. Nếu bạn kết hợp tính từ "ngày và đêm" (overnight) với danh từ "giao nhận" (delivery), chắc chắn đó sẽ là Federal Express.

Tính từ sẽ bổ sung màu sắc cho nhãn hiệu tạo ra một cầu vồng rực rỡ! Thiếu tính từ không khác gì việc bạn chèo thuyền qua con sông mà thiếu mái chèo. Khi nghĩ đến bất cứ nhãn hiệu lớn nào trên thế giới, bạn sẽ đều thấy một tính từ.

"Just do it" và những động từ tương tự như vậy

Nike sử dụng nó trong mọi thời điểm. Động từ luôn là phần khó khăn nhất trong ngữ pháp nhãn hiệu. Tuy nhiên, một khi tìm được một động từ đúng, bạn đã mở được cảnh cửa "giới thiệu sống động" (live presentations), bởi vì đó chính là những gì đúng với bản chất của động từ: một từ ngữ chỉ hành động!

Ví dụ, "Tái khởi động các khách hàng kinh doanh ngủ đông" (Reactivating dormant business clients) là một cụm từ nhãn hiệu khá bản lề. Điều đó có nghĩa rằng công ty có thể biểu lộ một vài nội dung tích cực cho việc "tái khởi động" (reactivation), có thể là một chiếc đồng hồ báo thức, hay một cục nam châm tới điều gì đó thật mới mẻ như cappuccino! Bất cứ điều gì đánh thức bạn dậy và khiến bạn hành động một lần nữa đều là sự tái khởi động.

Có thể thấy rằng những slogan nhãn hiệu xuất sắc nhất qua thời gian đều có một sự phối kết hợp tuyệt vời giữa danh từ, tính từ và động từ.

Nike sử dụng động từ như một tính từ. Slogan của Nike kêu gọi hành động nhưng cũng xác định rất rõ ràng một thái độ (hay tính từ) đó là "cấp tiến" (radical).

Những gì sẽ phải làm tiếp theo? Một khi có trong tay danh từ, tính từ, động từ, bạn bắt đầu hiểu được bản thân tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, bạn có thể đi xa hơn nữa. Ví dụ, nếu bạn là hãng Rolex và bạn sở hữu danh từ "sự chính xác" (precision) (không phải là "đồng hồ") và tính từ "xuất sắc" (classy), bạn sẽ quảng cáo như thế nào?

Có rất nhiều nơi thể hiện "sự chính xác" và "xuất sắc", chẳng hạn như giải quần vợt Wimbledon hay kênh truyền hình National Geographic. Tất cả đều "chính xác" và đều "xuất sắc". Và một điều nữa tất cả những nơi này đều góp phần thu hút những khách hàng mục tiêu mong muốn đeo chiếc đồng hồ Rolex.

Nó cũng làm rõ ràng những mập mờ trong tâm trí khách hàng. Chúng làm cho khách hàng hiểu rõ tại sao họ nên chọn lựa bạn. Trong một thế giới mà sức ép cạnh tranh không ngừng gia tăng, điều đó thực sự là những yếu tố hữu ích làm tăng sự thu hút cho nhãn hiệu của công ty bạn.

Nếu bạn hiểu rõ lý do tại sao các khách hàng lựa cho bạn, thì hoạt động quảng cáo của bạn sẽ càng sắc cạnh và có trọng điểm bấy nhiêu. Đến lúc này, công việc của bạn là để slogan của mình trở nên độc nhất vô nhị. Một trong những cách thức đó là sở hữu cho riêng mình một màu sắc nào đó.

Chẳng hạn nhìn vào thế giới dịch vụ chuyển phát: UPS sở hữu màu nâu, FedEx là sự phối kết hợp giữa màu da cam và màu tía. Còn DHL có màu đỏ. Để tránh những va chạm với nhau, bạn sẽ phải lựa chọn cho mình một màu sắc riêng trong hình ảnh nhãn hiệu.

Cuối cùng, làm thế nào để biết được liệu nhãn hiệu của công ty của bạn có được các khách hàng cảm nhận đúng như ý tưởng của bạn đã thổi vào đó không? Chỉ có một cách duy nhất. Đó là bạn viết ra những nhận thức của mình dưới dạng danh từ, tính từ, động từ và cả màu sắc. Sau đó bạn đề nghị các khách hàng cũng viết như vậy. Nếu có sự tương đồng, thì bạn đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Còn nếu sự khác biệt là quá lớn, đã đến lúc bạn cần phải suy nghĩ lại nghiêm túc về các phương tiện mà bạn sử dụng để truyền tải nhãn hiệu của mình.

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

"Google" thương hiệu dò tìm

Google là một thương hiệu toàn cầu không giống bất kỳ thương hiệu nào khác. Với Google, việc xây dựng thương hiệu không phải là cái bao quanh dịch vụ mà đó thật sự là tự thân dịch vụ.

Năm 2002, công cụ tìm kiếm qua mạng Google được mệnh danh là "Thương hiệu của năm" bởi độc giả của trang web Brandchannel.com của InterBrand, đứng trên cả Coca-Cola và Starbucks.

Thành tích suất sắc này đến từ nhiều lý do:

Google chỉ mới bắt đầu hoạt động từ năm 1998.

Chưa bao giờ quảng cáo trên truyền hình.

Chủ yếu dựa vào công luận truyền miệng.

Không có một hình ảnh thương hiệu nào ngoài cái tên Google.

Chưa bao giờ nhờ đến sự hỗ trợ của một công ty quảng cáo hay marketing.

Nhận thức của mọi người về Google có được khi người ta sử dụng công cụ này. Và đó là một trải nghiệm không thể nào đơn giản hơn. Thậm chí những người mới làm quen với Internet cũng biết phải làm gì khi đến với Google. Phần mềm cực kỳ tinh vi này đã mang lại những kết quả tìm kiếm thích hợp nhất trên mạng.

Rõ ràng Google là một dịch vụ miễn phí, như vậy thì kinh phí đâu để họ duy trì hoạt động? Thương hiệu này không kiếm tiền qua dịch vụ hỗ trợ dò tìm mà bằng cách khác- chủ yếu là từ quảng cáo. Google chỉ cho quảng cáo những đoạn văn bản trơn và một đường dẫn đến trang web liên quan chứ không cho quảng cáo hình ảnh công ty hay bất kỳ lôgô nào.

Mặc dù Google đã mở rộng sang những dịch vụ cổng vào mạng mục đích chung như công cụ so sánh mua sắm và lĩnh vực tin tức khác, nhưng thương hiệu này vẫn luôn nỗ lực duy trì sao cho trang web của mình không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo. Có thể môi trường kinh doanh sẽ buộc Google phải trở nên hỗn tạp như những trang dò tìm khác. Nhưng giờ đây, họ dường như đã nhận ra rằng sự giản đơn, tính tiện dụng và thuyết tối thiểu là chế độ tam đầu chế thiêng liêng đã giúp thu hút và khiến cho những người sử dụng web luôn tin tưởng và quay lại với trang web này.

Những bí quyết thành công:

Công luận truyền miệng . Internet làm cho xã hội trở nên liên thông công nghệ hoá hơn bao giờ hết. Và tính liên thông này đã hỗ trợ Google trở thành một trong những thành công truyền miệng hiệu quả nhất trong lịch sử.

Sự hiện diện khắp nơi. Google có mặt khắp nơi trên Internet khi hàng loạt trang web quan trọng khác cung cấp đường dẫn đến Google để tiện cho người truy cập tra cứu thông tin. Thương hiệu này cũng có nhiều địa chỉ quốc tế khác nhau nhằm thu hút lượng khán giả đa ngôn ngữ trên khắp toàn cầu.

Sự trải nghiệm . Sự trải nghiệm chính là thương hiệu. Google luôn nhìn một cách khách quan và tập trung vững chắc vào kinh nghiệm của người truy cập. Họ hiểu rằng những người sử dụng web mới là thương hiệu chứ không phải là những chủ quảng cáo mang lại tài chính cho họ. Càng nhiều người sử dụng dịch vụ thì tự động càng có nhiều chủ quảng cáo tìm đến.

Tính công nghệ . Google cho chúng ta thấy công nghệ nên được sử dụng như thế nào. Họ đã khai thác được phần mềm phức tạp đến mức khó tin để tạo thành một công cụ dò tìm cực kỳ đơn giản. Thậm chí những người mù tin học nhất cũng có thể sử dụng công cụ này không mấy khó khăn.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Slogan thương hiệu - Còn cần hay không?

Một kẻ "cắc cớ", hẳn vì bất ngờ phát hiện ra một điều lạ, tung bâng quơ trên mạng câu hỏi: "Apple có slogan không? Nếu không thì có thể gợi ý giúp cho một câu hay?"

Có người trả lời ngắn gọn: "Think different", có người tận tình cho đường dẫn đến Wikipedia với một danh sách đầy đủ các slogan quảng cáo của Apple tận từ thời sơ khai đến nay.

Liệu có thực chăng một xu hướng tư duy marketing khi mà điểm lại mới thấy các thương hiệu tiền tỉ (USD), nhất là những thương hiệu hình thành trong vài thập niên trở lại đây, không hề có slogan cho mình.

Từ Apple, Google, cho đến Starbucks, câu trả lời cho kẻ "cắc cớ" kia là "không", dù slogan, hay nói đúng hơn là tagline , cho các chiến dịch quảng cáo và sản phẩm riêng biệt của những anh khổng lồ này là không thể thiếu, thậm chí rất "đắt".

Như với Apple là  "There's something in the air" , một cách chơi chữ khi chuẩn bị tung MacBook Air vào năm 2008, hay "This changes everything. Again"  dành cho iPhone 4, và đặc biệt thú vị là mẩu quảng cáo Apple II với câu  "Baked Apple" , sử dụng một câu chuyện có thật về sự bền bỉ của chiếc máy tính trong một vụ hỏa hoạn.

Ở trường hợp của Nike, đó là câu khẩu hiệu thể hiện một thái độ rất thể thao, dấn bước khó có thể hay hơn –  "Just do it" , mà thương hiệu này đã ưu ái tận dụng đến hơn hai mươi năm, cho đến lúc phải lấy lại phong độ với slogan  "Find your greatness"  cho chiến dịch quảng cáo tung ra đúng vào thời điểm Olympic 2012 này.

Nhiều người mặc định một doanh nghiệp hay nhãn hàng ra đời phải gắn liền với logo và slogan. Một nhãn hiệu không slogan như "đứa trẻ không quấn tã" (nhếch nhác).

Thế nhưng cần nhớ rằng slogan doanh nghiệp/nhãn hiệu không đơn thuần là tổ hợp vài con chữ ngắn gọn thật "kêu", mà có nhiệm vụ lớn lao là phải tóm tắt, thể hiện một cách cô đọng nhất tinh thần của nhãn hàng, đưa ra được lời hứa của doanh nghiệp với khách hàng.

Nó cũng giống như ngọn hải đăng giúp mọi hoạt động marketing dù ở bất kỳ hình thức, giai đoạn nào cũng không đi lạc mà luôn nằm trong một phạm vi, bán kính nhất định. Chính vì vậy mà tìm ra được một câu slogan đạt yêu cầu không dễ.

Và một doanh nghiệp hay nhãn hàng không slogan vẫn tốt hơn nhiều so với có slogan nhưng không thể hiện được tinh thần cốt lõi, hoặc quá dở, quá đại khái, tạo ấn tượng đầu tiên không mấy hứa hẹn với khách hàng.

Đã qua rồi giai đoạn những nhà quản trị doanh nghiệp nhất định phải đặt cho đứa con tinh thần của mình một câu slogan để "đóng cọc" vào tim khách hàng.

Ngày nay, với cái nhìn ngày càng mở hơn, họ tự tin tập trung thời gian, công sức và chi phí cho các hoạt động marketing thay vì ngồi cắn bút tìm cho ra một câu khẩu hiệu ra trò trước khi đưa sản phẩm của mình bước vào thị trường.

Không cần phải nói ra, tinh thần cốt lõi hay cái tôi khác biệt của một nhãn hiệu sẽ được thể hiện qua rất nhiều hoạt động marketing nếu được thực hiện hiệu quả và nhất quán.

Người ta có thể nói "Think different" khi nhắc đến Apple, "Just do it" để nói về Nike dù đây chỉ là slogan của các chiến dịch quảng cáo đơn lẻ.

Một khi những câu tagline trong quảng cáo gần như nhập làm một với slogan công ty (không có) tức là các nhà quản trị doanh nghiệp nói chung và bộ phận marketing nói riêng đã làm tốt công việc của họ.

Ở một khía cạnh khác, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ đang trong giai đoạn hình thành, việc không đưa ra slogan doanh nghiệp/nhãn hiệu cũng cho họ cơ hội được thăm dò, khám phá tiềm năng thị trường cũng như thế mạnh của họ trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hoặc khi cần đến một cuộc "lột xác" gần như hoàn toàn sau một chu kỳ phát triển nhất định, họ cũng sẽ tránh được việc thay đổi slogan gây xáo trộn tâm lý khách hàng.

Nhìn một chút sang chính trị, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney không hề đưa ra một slogan cho chiến dịch tranh cử của mình, những người kinh doanh ăn theo cuộc chạy đua giữa hai ứng viên thậm chí phải dõi theo những tranh cãi giữa hai người để tự "nhặt" ra những câu "tagline" in lên các sản phẩm hô hào cổ động.

Với lý lịch bản thân đặc biệt nổi trội ở mảng kinh tế, từng làm việc cho Bain & Company, một trong những công ty tư vấn quản trị danh tiếng nhất thế giới, sau đó thành lập công ty riêng về đầu tư mạo hiểm, chắc hẳn người ta không thể nói ông này không biết cách thực hiện một chiến dịch tranh cử.

Theo Cao Thị Lan Phương

DNSG