Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Các Công ty franchise Mỹ tiến ra thế giới

The_Little_GymNhiều thương hiệu nhượng quyền của Mỹ không chỉ sống sót qua khủng khoảng mà còn bành trướng mạnh mẽ ra thị trường thế giới.

Cách đây hai năm, Matt Friedman - CEO của chuỗi nhà hàng Wing Zone nhận ra rằng Mỹ không còn là nơi lý lưởng để kinh doanh nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác tiềm năng hơn. Cuối năm ngoái, Friedman đã khai trương nhà hàng đầu tiên ở Panama.

Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới không hề đơn giản. Wing Zone phải xây dựng một hệ thống chuyển nhượng phức tạp và nghiên cứu thị trường kĩ càng. Các bước chuẩn bị này mất rất nhiều thời gian và tiền bạc nên nếu làm không khéo sẽ khiến việc kinh doanh bị trì trệ.

Friedman chia sẻ: "Mở rộng kinh doanh toàn cầu đòi hỏi phải sự có sự chuẩn bị tốt về mặt tài chính. Phải mất từ 2 đến 3 năm mới thu được lợi nhuận". Wing Zone không phải là doanh nghiệp duy nhất tìm kiếm các cơ hội bán franchise bên ngoài nước Mỹ. Vài năm gần đây, trước sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, hàng loạt các thương hiệu nhượng quyền đã tích cực mở rộng kinh doanh ra toàn thế giới dù còn nhiều trở ngại.

Hàng loạt các thương hiệu nhỏ như Massage Heights, PuroClean, Servpro, Molly Maid hay chuỗi nhà hàng Melting Pot đã có cửa hàng nhượng quyền thương hiệu tại nhiều Quốc Gia trên thế giới. McDonald's, Dairy Queen và California Pizza Kitchen là 3 trong số các công ty kinh doanh nhượng quyền thương hiệu hàng đầu tấn công thị trường Trung Quốc. Các quốc gia Châu Á khác như Malaysia, India, Indonesia, South Korea, Bra-xin và Việt Nam cũng là điểm đến hứa hẹn của nhiều công ty Mỹ nhờ dân số trẻ và tăng trưởng GDP cao. Nhiều thương hiệu nhượng quyền danh tiếng khác đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang Trung Đông: Kuwait, Bahrain, U.A.E và Ả Rập Xê Út.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ như Wing Zone – chỉ sở hữu khoản 200 cửa hàng thì chuyện "ra biển lớn" là một giấc mơ xa vời mà vài năm trước đây học còn chưa dám nghĩ tới. Nhưng giờ đây, đầu tư ra nước ngoài là bước đi khôn ngoan để xây dựng thương hiệu. Thay vì vất vả cạnh tranh tại thị trường Mỹ vốn đã gần bão hòa, các doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền qui mô nhỏ đã "đánh hơi" thấy thị trường nước ngoài ít cạnh tranh và nhu cầu cao là nơi lý tưởng để kinh doanh.

The Little Gym – một chương trình giáo dục cho trẻ em đã bắt đầu nhượng quyền thương hiệu ra toàn cầu từ năm 1992. Họ đã mở được chi nhánh đầu tiên ở Thái Lan ba năm sau khi khởi nghiệp và đến nay đã có 300 cơ sở ở 21 quốc gia. The Little Gym cũng đang có kế hoạch tấn công sang thị trường Trung Đông, Ấn Độ và Mexico. Họ còn dự định mở 100 chi nhánh ở Trung Quốc.

Matt-Friedman-wing-zone
Matt Friedman - CEO của chuỗi nhà hàng Wing Zone nhận ra rằng Mỹ không còn là nơi lý lưởng để kinh doanh nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác tiềm năng hơn.

Bob Bingham, Chủ tịch kiêm CEO của The Little Gym International: " Mức tăng trưởng chậm ở thị trường Mỹ phần nào tạo điều kiện cho chúng tôi tập trung phát triển các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài. Chúng tôi cũng thấy mình may mắn khi thương hiệu The Little Gym được khách hàng trên thế giới tín nhiệm. Còn rất nhiều cơ hội cho các thương hiệu Mỹ trên thị trường thế giới."

Với Wing Zone thì đây là lần đầu tiên họ có cơ sở ở nước ngoài nên việc tìm địa điểm thích hợp là bước đầu tiên cần làm. Các quốc gia mà Wing Zone nhắm đến phải có tầng lớp trung lưu đông đảo, quen với việc giao nhận thức ăn tận nhà và dĩ nhiên là phải..thích ăn cánh gà. Panama là quốc gia hội tụ đủ những yếu tố đó. Tuy nhiên, Wing Zone cũng phải có những thay đổi phù hợp với văn hóa địa phương. Cửa hàng tại Panama phải có đủ chỗ ngồ cho 40 – 60 thực khách. ( Cửa hàng của Wing Zone ở Mỹ thường rất nhỏ).

Wing Zone tận dụng nguồn cung cấp thịt gà ngay tại địa phương nhưng các loại sốt, gia vị và nhiều thứ khác phải nhập từ Mỹ làm phát sinh chi phí vận chuyển và kho bãi. Tuy nhiên mọi nỗ lực của Wing Zone đã được đền đáp khi công việc kinh doanh ở Panama phất lên như diều. Giám đốc Friedman đã ký được nhiều hợp đồng mở cửa hàng, một số nước ở Châu Mỹ, Châu Âu và cả Ả Rập Xê Út. Công ty cũng có kế hoạch mở đến 50 cửa hàng ở Nhật Bản.

Khi nhượng quyền thương hiệu thì uy tín của đối tác cũng rất quan trọng. Nếu chọn lựa không cẩn thận thì việc nhượng quyền sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Dù ở bất kì đâu trên thế giới thì chi nhánh đó cũng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phải được hưởng những chính sách đồng nhất như nhau từ công ty mẹ. Đây chính là điểm mấu chốt để thương hiệu thuyết phục được người tiêu dùng toàn cầu.

Dù thị trường Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng không vì thế mà các công ty kinh doanh nhượng quyền từ bỏ miếng bánh béo ở thị trường thế giới. Người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi vẫn ưa chuộng các thương hiệu Tây Âu. Trên thực tế, nhiều thương hiệu không mấy thành công ở Mỹ lại rất đình đám trên toàn cầu. Các cửa hàng bên ngoài nước Mỹ đóng góp đến 65% lợi nhuận cho các thương hiệu như Taco Bell, KFC, Pizza Hut và dự đoán đến 2015, tỉ lệ này sẽ là 75%. Ngay cả McDonald's vốn đã quá quen thuộc ở Mỹ cũng kiếm 60% doanh thu từ thị trường thế giới.

- Phúc An -

(Phương Trinh -

Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét