Một điều quan trọng nữa cần phải xét tới khi bạn muốn nhượng quyền thương mại doanh nghiệp của bạn đó là việc bạn đang sở hữu loại hình doanh nghiệp như thế nào?
Mọi thương hiệu khi nhượng quyền thương mại đều phải cung cấp sản phẩm hay dịch vụ vào loại hàng đầu trên thị trường.Theo ý kiến của ông Geoffrey Stebbins, chủ tịch của Công ty Tư vấn Nhượng quyền thương mại ở Southfield, Michgan, Mỹ thì ngay cả khi bản thân bạn, người sở hữu doanh nghiệp, muốn nhượng quyền thương mại thì điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp của bạn phù hợp với việc đó. Bất kể doanh nghiệp của bạn thành công như thế nào, nó sẽ không thể nhượng được quyền kinh doanh nếu như nó không chứng tỏ cho người khác thấy rằng đây là một cơ hội béo bở.
Ông nói thêm: "Người ta thường tin tưởng vào một sản phẩm thật sự. Ví dụ, chúng ta không nên quá chú trọng về việc cung cấp dịch vụ việc làm mà chúng ta nên xem xét việc làm thế nào để dịch vụ việc làm của chúng ta có thể trở thành một cơ hội kinh doanh tốt trong mắt khách hàng".
Điều gì tạo nên một cơ hội kinh doanh hấp dẫn?
Stebbins cho rằng thương hiệu được nhượng quyền nên dưa trên một khái niệm cụ thể, có thể là một loại thức ăn nhanh kiểu mới hay một loại kỹ thuật tiên tiến nào đó. Để thành công, doanh nghiệp cần phải chứng tỏ mình có thể thực sự đạt được điều đó. Sẽ dễ dàng hơn để quảng bá thương hiệu với hình ảnh được xây dựng vững chắc hơn là một cái tên xa lạ và nhàm chán.
Cũng cần nói thêm rằng, thương hiệu của bạn phải tạo ra sản phẩm hay dịch vụ thật tốt. Không ai muốn mua quyền kinh doanh một thương hiệu thành công chỉ nhờ vào việc sản xuất giá rẻ. Điều đó không có nghĩa là mọi thương hiệu khi nhượng quyền thương mại đều phải cung cấp sản phẩm hay dịch vụ vào loại hàng đầu trên thị trường. Tuy nhiên điều đó có nghĩa rằng doanh nghiệp của bạn cần phải có sự khác biệt rõ ràng (theo chiều hướng tốt) trên thị trường.
Nếu bạn cung cấp một sản phẩm hay loại hình dịch vụ chất lượng cao, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải có đủ khả năng để quản lý và điều chỉnh chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp. Với người tiêu dùng, dù cho họ là khách hàng quen thuộc của một hệ thống thương hiệu nào đó, họ sẽ nhận ra rằng sản phẩm hay dịch vụ mà họ nhận được không khác gì so với những nơi khác. Do đó sản phẩm hay dịch vụ của bạn phải tạo nên một tiêu chuẩn chung nào đó trên thị trường. Nếu không, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhượng quyền thương mại và quảng bá thương hiệu của bạn.
Nếu bạn có một sản phẩm tốt, một thị trường tốt, bạn cần phải gầy dựng một số nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp. Cụ thể là bạn nên sở hữu hoặc cố gắng phát triển một thương hiệu mạnh. Đa số các hệ thống các doanh nghiệp nhượng quyền thương mại như Subway và ServiceMaster, chi rất nhiều thời gian và tiền của cho việc tạo dựng thương hiệu mạnh để truyền đạt đến khách hàng một thông điệp mạnh mẽ và phù hợp về sản phẩm và thương hiệu. Đương nhiên rằng để có thể hiệu quả, mỗi thương hiệu phải là của bạn và chỉ là của mỗi bạn mà thôi. Điều đó có nghĩa là nó không thể quá giống các thương hiệu mà các doanh nghiệp khác đang dùng. Thương hiệu của bạn cũng phải là thương hiệu đã được đăng ký hoặc được phép đăng ký bảo hộ.
Một khái niệm thương hiệu tốt phải có thể truyền tải được.
Thương hiệu của bạn phải được dễ dàng giải thích cho người khác và giúp họ hiểu ngay lập tức. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp của bạn nên hệ thống hóa một cách kỹ lưỡng và cung cấp tài liệu hoạt động hết sức chính xác để có thể được sao chép lại bởi người khác. Thêm vào đó, nó phải là một doanh nghiệp hoạt động theo hướng dàn trải, tránh việc tập trung hóa trong quản lý cũng như hoạt động.
Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động hoàn toàn dựa trên kiến thức của bạn và cần đến bạn trong mọi hoạt động, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nhượng quyền thương mại doanh nghiệp đó. Những doanh nghiệp nhượng quyền thành công thường lập những hướng dẫn hoạt động chi tiết để quy định các tiêu chuẩn và mô tả các bước thủ tục cần thiết cho mọi khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên cũng tổ chức các khóa huấn luyện dành cho những người sở hữu quyền kinh doanh thương hiệu, giám đốc, quản lý và nhân viên.
Sự lặp lại cũng là một yếu tố quan trọng của một doanh nghiệp nhượng quyền thương mại. Doanh nghiệp của bạn phải có khả năng xuất hiện lặp lại liên tục ở nhiều nơi với nhiều người. Nếu doanh nghiệp của bạn chỉ có thể làm việc ở một nơi cố định, ví dụ như một doanh nghiệp cung cấp các tour đi du lịch ở Hẻm Núi Lớn (The Grand Canyon, Mỹ), nó không thể xuất hiện lặp đi lặp lại ở nhiều nơi và do đó, không thể nhượng quyền thương mại. Tương tự đối với một doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động tốt bởi một người quản lý.
Rõ ràng là kết hợp chặt chẽ tất cả các điểm trên vào doanh nghiệp của bạn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Thực sự thì nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh rất khác so với các loại hình kinh doanh mà bạn đang thực hiện. Thay vì khách hàng là những đối tượng quen thuộc mà bạn thường tiếp xúc, giờ đây khách hàng của bạn chính là những người được nhượng quyền thương mại từ doanh nghiệp của bạn. Những người được nhượng quyền thương mại đầu tư thời gian và tiền bạc vào thương hiệu của bạn nên họ sẽ đòi hỏi rất cao, đặc biệt là về vấn đề huấn luyện và hỗ trợ. Hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian và khả năng để hỗ trợ nhiều khách hàng trước khi bạn bắt đầu việc nhượng quyền thương mại cho các khách hàng.
Vượt qua các trở ngại về hành chính
Bạn cần phải vượt qua rất nhiều các thủ tục hành chính và pháp lý trước khi bạn có thể nhượng quyền thương mại doanh nghiệp của bạn. Chính quyền liên bang có ban hành các luật lệ về việc nhượng quyền thương mại. Ngoài ra, nhiều bang cũng ban hành một số yêu cầu cụ thể khác nhau dành cho bạn khi bạn muốn tiến hành việc nhượng quyền thương mại.
Các luật trên thường yêu cầu bạn phải đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền cũng như đạt được các tiêu chuẩn nhất định trước khi nhượng quyền thương mại. Một khi bạn đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, ở một số bang, chính quyền sẽ giám sát các hoạt động giữa bạn và khách hàng, điều chỉnh hay giới hạn việc chuyển đổi hay làm mới quyền kinh doanh thương hiệu. Một số hạt (territorial) ở Mỹ có thể bị giải tán và khách hàng của bạn có thể bị buộc thôi kinh doanh thương hiệu của bạn tại nơi đó.
Hợp đồng nhượng quyền (gọi tắt là UFOC - Uniform Franchise Offering Circular) là một văn bản pháp lý mô tả các cơ hội và lợi ích mà thương hiệu của bạn mang lại cho các khách hàng tiềm năng trước khi họ quyết định trả tiền, ký kết các chứng từ và thậm chí là gặp gỡ bạn để mua quyền kinh doanh thương hiệu. Nếu bạn muốn chỉ cho khách hàng thấy được những lợi ích của việc nhượng quyền thương mại của doanh nghiệp bạn mang lại cho họ, mọi chi tiết phải được viết trên văn bản và dựa vào một số quy định cụ thể.
Có rất nhiều những rào cản pháp lý cần phải được tháo gỡ trong việc nhượng quyền thương mại. Các rào cản nói trên đa phần dùng để bảo vệ những khách hàng được nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, nếu khách hàng của bạn muốn làm điều gì đó ảnh hưởng đến lợi ích của bạn, hợp đồng nhượng quyền cùng với các điều khoản pháp lý cũng sẽ hỗ trợ bạn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Về tài chính của việc nhượng quyền thương mại
Vấn đề cuối cùng trong việc nhượng quyền thương mại mà bạn cần phải lưu tâm đến đó chính là khả năng sinh lợi xứng đáng của thương hiệu. Điều này cần được lưu tâm kỹ càng hơn so với các loại hình kinh doanh khác bởi lẽ khách hàng (người mua quyền kinh doanh thương hiệu của bạn) phải chịu nhiều chi phí hơn bình thường. Các chi phí phụ này bao gồm chi phí mua quyền kinh doanh thương hiệu của bạn và tiền sử dụng thương hiệu của bạn hàng tháng được tính bằng phần trăm lợi nhuận của khách hàng của bạn.
Do đó, các quyết định của bạn liên quan đến việc thu lợi từ khách hàng phải hợp lý để đảm bảo cho khách hàng vừa có khả năng chi trả tiền sử dụng thương hiệu của bạn hàng tháng, vừa có đủ tiền lời cho riêng họ. Đừng quên rằng khách hàng của bạn phải đầu tư một lượng rất lớn vào công việc này. Do đó, việc kinh doanh nói trên phải mang lại nguồn thu cho khách hàng một số lượng đủ để họ hoàn vốn và sinh lời.
Bạn cũng cần phải có một nguồn tiền lớn để có thể dựng lên thương hiệu và bắt đầu việc nhượng quyền. Bạn phải trả tiền để viết bản UFOC và đăng ký quyền nhượng quyền thương hiệu.
Bạn sẽ cần đến kế toán để chuẩn bị kiểm toán các kê khai tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra còn có các chi phí phát sinh từ việc quảng bá thương hiệu và giới thiệu thương hiệu đến các khách hàng tiềm năng – những người sẽ móc hầu bao để mua lại quyền kinh doanh thương hiệu của bạn. Đừng quên những chuyên viên huấn luyện, các tài liệu hướng dẫn hoạt động và các hệ thống cần thiết khác để bắt đầu việc kinh doanh thương hiệu.
Bạn có thể cần đến khoảng $250,000 hoặc hơn để gầy dựng một hệ thống thương hiệu tốt, chưa kể đến các chi phí hàng ngày cho việc hoạt động của doanh nghiệp. Đương nhiên số tiền mà khách hàng trả cho quyền kinh doanh thương hiệu của bạn sẽ được dùng để bù đắp cho các chi phí kể trên, tuy nhiên, bạn cũng nên dự toán ngân sách trước khi đầu tư và phải thật chắc chắn rằng bạn có các phương cách phù hợp để khôi phục lại các chi phí trên trước khi bạn thực hiện kế hoạch nhượng quyền thương mại
Tất cả các điều trên đã mô tả đúng về bạn và doanh nghiệp của bạn hay chưa? Sự thật là có rất ít doạnh nghiệp phù hợp với hình thức nhượng quyền thương mại, mặc dù đã có hàng ngàn doanh nghiệp tiến hành nhượng quyền thương mại. Bạn nên tự hỏi mình một cách nghiêm túc rằng điều gì sẽ khiến bạn khác so với họ. Nếu doanh nghiệp của bạn vượt qua được những bước đã được nhắc đến trong bài viết này, hãy bắt tay vào ngay. Không có gì phát triển nhanh chóng bằng một doanh nghiệp nhượng quyền thương mại thành công.
(Tuấn Anh -
Theo Doanh nhân Sài Gòn)
Share:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét