Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

M&A trong lĩnh vực tài chính: Cơ hội đang đến

Những khó khăn của các ngân hàng nói riêng cũng như các DN trong lĩnh vực tài chính nói chung dường như đã lộ rõ trong chính sách thắt chặt tiền tệ của năm 2011. Xu hướng sáp nhập và mua bán doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực tài chính đang được nhắc tới nhiều nhằm thanh lọc và nâng cao sức mạnh thực sự của nền tài chính- ngân hàng.

M&A trong lĩnh vực tài chính: Cơ hội đang đến

Năm 2010, hoạt động M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam đạt tổng giá trị 69 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 211 triệu USD của năm 2009. Sang đến năm 2011, mọi giao dịch đều diễn ra với giá trị không cao, điểm nhấn lớn nhất chính là thương vụ Vietcombank bán 15% cổ phần cho ngân hàng Mizuho trị giá hơn 567 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, điều mà người ta chờ đợi của các vụ M&A trong lĩnh vực tài chính là việc sáp nhập những ngân hàng nhỏ, kém thanh khoản để thị trường ngân hàng phát triển mạnh và ổn định hơn. Diễn biến thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn, buộc phải tái cấu trúc để tồn tại.

Thực tế, phần lớn các giao dịch M&A ngành dịch vụ tài chính trong sáu tháng đầu năm 2011 đều liên quan đến việc bán cổ phần các công ty chứng khoán bị lỗ nặng trong thời gian gần đây do sự giảm điểm của các chỉ số của thị trường chứng khoán trong nước và mức độ thanh khoản kém tại cả hai sàn giao dịch chứng khoán. Một trong những giao dịch lớn nhất trong sáu tháng đầu năm thuộc về lĩnh vực bảo hiểm với việc công ty bảo hiểm Ergo của Đức mua cổ phần thiểu số chiến lược tại GIC, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Giám đốc một công ty chứng khoán nhận xét: Việc dỡ bỏ các quy định về giới hạn tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán ở Việt Nam cũng sẽ là động lực thu hút các ngân hàng, công ty nước ngoài tham gia thị trường này.

M&A lĩnh vực ngân hàng không còn là mới mẻ, tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở việc các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước mua một tỷ lệ cổ phần nhất định của ngân hàng trong nước chứ chưa có ngân hàng nào sáp nhập hoặc mua lại toàn bộ ngân hàng khác.Chưa một ngân hàng nào được hé lộ sẽ có hoạt động M&A trong thời điểm này nhưng đây vẫn được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng và sẽ khởi sắc.

mua-ban-va-sap-nhapTrong báo cáo thường niên của PwC (một DN chuyên về lĩnh vực kiểm toán và tư vấn) về hoạt động M&A trong ngành dịch vụ tài chính tại Châu Á năm 2011, thị trường Việt Nam được đánh giá rất lạc quan về triển vọng phát triển lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường M&A trong ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ sôi động trở lại từ cuối năm 2011 sau một năm trầm lắng bởi hiện nay quy mô vốn của nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ nên áp lực tăng vốn sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn rất nhiều và hiện tượng M&A có thể sẽ xảy ra trong vài năm tới.

Theo PwC, ngành ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc, với các quy định chặt chẽ hơn về vốn, đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, báo cáo của PwC cho rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng trong nước vốn bị xé nhỏ về thị phần như hiện nay thì sẽ tạo tiềm năng rất lớn trong việc hợp nhất của các ngân hàng.

Tuy nhiên, PwC cũng đưa ra các trở ngại và rào cản mà nhà đầu tư sẽ phải vượt qua nếu muốn các thương vụ M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể thành công. Trước hết, các hạn chế về vốn được xem là trở ngại chính đối với hoạt động sáp nhập & mua bán doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.Bên cạnh đó, tác động của sự can thiệp của Chính phủ và cơ quan quản lý cũng là một mối quan ngại hàng đầu được đưa ra trọng cuộc khảo sát.

Ngoài ra, sự cạnh tranh quá mức giữa các đơn vị đấu thầu cũng được xem là rào cản lớn đối với việc thực hiện giao dịch, phản ánh tình trạng tương đối ít ỏi các cơ hội giao dịch sáp nhập & mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam. Những yếu tố về nguồn cung tài chính bên ngoài kém, định giá khó khăn hoặc không chắc chắn và chênh lệch kỳ vọng về giá giữa các bên cũng như việc hạn chế về quyền sở hữu vốn cổ phần cũng là những trở ngại để mỗi cuộc M&A ngân hàng đi đến thành công.

(Phương Trinh -

Theo Doanh nhân Sài Gòn/ NOIT )

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét