Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Muốn nhượng quyền thương mại?

Nhượng quyền thương mại (franchising) có thể giúp doanh nghiệp (DN) khắc phục được hạn chế về vốn phát triển hay khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ vận hành trực tiếp trong kế hoạch tăng trưởng. Từ đó, franchising giúp nhiều DN tiệm cận được chiến lược kinh doanh nhân rộng.

nhuong-quyen-franchising_copy

Franchising là một mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, là một ý tưởng mới với thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm. Hiện nay, franchising là một trong những sự lựa chọn nghiêm túc cho chiến lược phát triển của DN Việt Nam hay là lựa chọn đầu tư của nhiều cá nhân.

Về nguyên tắc, tất cả mọi lĩnh vực kinh doanh đều có thể phát triển theo phương thức franchising, từ chuỗi quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bánh mì... đến các dịch vụ như vận tải, tin học, quảng cáo, tiếp thị, từ trung tâm giữ trẻ đến trường đào tạo nghề, công ty môi giới bất động sản...; từ những công ty mới khởi nghiệp đến các tập đoàn xuyên Quốc Gia , tất cả đều có cơ hội phát triển bằng phương thức này.

Tại Việt Nam, franchising bắt đầu nhộn nhịp mà có thể được ví như một cuộc đua của những tay đua không những cần có tốc độ mà còn đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.

Hình thức kinh doanh này mang lại những lợi thế to lớn cho DN, nhưng trước khi quyết định phát triển theo phương thức này, DN cần đánh giá tính khả thi của hệ thống vận hành hiện tại của mình theo các tiêu chí cơ bản sau:

- Mô hình kinh doanh có hiệu quả về lợi nhuận chưa (ROI)? Nếu mô hình kinh doanh hiện nay chưa mang lại lợi nhuận như mong đợi thì phát triển theo phương thức nhượng quyền dường như là không thể thành công.

Người nhận nhượng quyền là những nhà đầu tư và cũng là người tự vận hành cơ sở kinh doanh nhượng quyền của họ. Do vậy, mô hình kinh doanh cần hứa hẹn tỷ lệ lợi nhuận (ROI) tốt trên số vốn đầu tư và công sức của họ. Dĩ nhiên tỷ lệ lợi nhuận này được tính sau khi đã trả các phí nhượng quyền cho doanh nghiệp nhượng quyền.

- Thương hiệu đã có đủ sự tín nhiệm (Credibility)? DN phải có uy tín đối với người nhận nhượng quyền tiềm năng và đây là giá trị thật sự của thương hiệu. Càng nhiều người tiêu dùng tin yêu thương hiệu của DN có nghĩa càng nhiều tiềm năng cho phương thức nhượng quyền thương mại.

Mô hình kinh doanh có tính độc nhất (Uniqueness)? Hệ thống kinh doanh cần có sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ, phương thức tiếp thị, mức độ đầu tư tài chính... và có cơ hội thành công cao khi nhân rộng.

Thông thường cần mất 3 năm cho một DN định hình mô hình kinh doanh và 5 năm để đảm bảo mô hình kinh doanh đó đủ an toàn để phát triển theo phương thức nhượng quyền. Người nhận nhượng quyền đầu tư cho một mong đợi thành công chứ không phải đầu tư cho một sự thử nghiệm.

- Hệ thống vận hành đơn giản và minh bạch (Straightforward operation)? Mô hình kinh doanh có thể vận hành dễ dàng cho người nhận nhượng quyền và có thể đào tạo, chuyển giao trong một thời gian ngắn.

Người nhận nhượng quyền có thể là tổ chức hay cá nhân chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đặc thù của DN nhượng quyền, nhưng với sự vận hành đơn giản và hướng dẫn rõ ràng, họ có thể vận hành thành công hệ thống kinh doanh và mang lại cho khách hàng sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng đúng như doanh nghiệp nhượng quyền mong đợi.

Mô hình kinh doanh linh động và đủ cầu (Adaptability and Demand)? Mô hình kinh doanh phải có tính linh động có thể đáp ứng nhiều địa bàn khác nhau của thị trường và nhu cầu thị trường đủ lớn, và đó cũng là một trong những lý do DN cần phát triển nhanh bằng phương thức nhượng quyền thương mại.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng đội ngũ quản lý mạnh để trở thành một nhà nhượng quyền thành công (Strength of management)? Ngay cả một DN nhượng quyền thành công cũng có thể đối mặt với nguy cơ thất bại nếu không có đội ngũ quản lý giỏi, chuyên nghiệp và có chuyên môn cao.

Thử thách lớn nhất của DN nhượng quyền (franchisor) là sẽ quản lý một nhóm khá lớn các cá nhân và tổ chức nhận nhượng quyền (franchisee) có nhiều cá tính khác nhau, nhiều mong đợi khác nhau, ở nhiều địa bàn khác nhau và... dĩ nhiên văn hóa ứng xử khác nhau.

Một số yếu tố quan trọng của franchisor:

  • Có kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ.
  • Có tầm nhìn.
  • Có sự đồng cảm và kỹ năng truyền thông tốt.
  • Có kỹ năng và chiến lược xử lý vấn đề và khủng hoảng.
  • Có kỹ năng huấn luyện và đào tạo tốt.
  • Và dĩ nhiên là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh nguyên bản (Original business).

Cần chú ý rằng, kế hoạch phát triển nhượng quyền không giống như một kế hoạch kinh doanh bình thường, mà những bước thiết yếu là cần phác thảo xác định phí nhượng quyền, các chuẩn bị pháp lý đề bảo vệ thương hiệu, hợp đồng nhượng quyền, phương thức tiếp thị nhượng quyền, chương trình đào tạo cho người nhận nhượng quyền...

Thử thách thực sự xảy ra khi DN bắt đầu nhượng quyền những cửa hàng, những cơ sở đầu tiên, vì lúc đó mối quan hệ đấy đủ của phương thức nhượng quyền thương mại thật sự xảy ra.

- NGUYỄN HÙNG DŨNG (*), Phó tổng giám đốc Công ty Best Fortune -

(Thanh Phương -

Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét