Có nhiều cách để làm thương hiệu, từ chiến lược tốn kém đến giải pháp đơn giản nhất. Thông thường, các công ty đều sở hữu hệ thống nhận diện thương hiệu riêng, nhưng với corporate video , doanh nghiệp (DN) dễ tiếp cận khách hàng nhất.
Hệ thống nhận diện chỉ là chiếc áo khoác ngoài, còn việc cảm nhận của khách hàng như thế nào về công ty lại phụ thuộc rất nhiều vào người diễn thuyết. Mà diễn thuyết thì đâu phải ai cũng có khả năng như nhau!
Vậy nên rất cần một tiếng nói chung để giới thiệu về công ty. Một trong những ứng cử viên tốt nhất làm được việc này là corporate video - phim tự giới thiệu về công ty.
Thực sự thì ý nghĩa của corporate video rộng hơn nhiều, khi dịch sang tiếng Việt, nhiều người hay đánh đồng với những đoạn phim tự giới thiệu đơn giản đã được xem nhiều năm qua.
Đây không phải là việc khó nhưng cần phải đánh giá đúng vai trò và thực hiện hiệu quả. Ông Tưởng Minh Cường, Phó Giám đốc công ty Hồng Hà cho biết: "Doanh nghiệp mới thành lập thì mải mê tìm khách hàng, khi lâu năm thì ỷ lại vào kinh nghiệm.
Có khi đã mười mấy năm nhưng hình ảnh và hệ thống lưu trữ tư liệu gần như không có. Mọi hình thức tiếp cận đều phó thác cho nhân viên. Mà nhân viên thì sau vài năm đã thay đổi, phải tốn sức huấn luyện lại từ đầu".
Hiệu quả của corporate video thì ai cũng thấy: tiết kiệm chi phí nhân sự, thể hiện hình ảnh, tầm vóc của doanh nghiệp nhanh và nhất quán.
Bà Mỹ Trang, Lantern Group cho biết: "Corporate video giúp tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả và chính xác. Tầm vóc và hình ảnh của chúng tôi được thể hiện hoàn hảo, giúp chúng tôi tự tin hơn rất nhiều".
Trên thế giới, những đoạn corporate video của tập đoàn thiết bị nhà bếp Teka được thực hiện rất công phu, hay của Mercedes thì bóng bẩy không kém gì những đoạn phim quảng cáo và được thực hiện bởi những đạo diễn tên tuổi.
Tại Việt Nam, các DN thường hay phó thác công việc này cho đài truyền hình hoặc các dịch vụ quay phim.
Ông Vũ Lê Vinh, Giám đốc Công ty Vyadvertising cho biết: "Để có một đoạn corporate video hoàn hảo, chúng tôi áp dụng công nghệ sản xuất phim quảng cáo chuyên nghiệp nhất. Trước tiên, bắt buộc phải có kịch bản sáng tạo hoàn chỉnh, chi tiết, nêu bật được tầm vóc và tính cách DN.
Thứ hai là những khung hình, góc quay phải nghiên cứu kỹ, ánh sáng và tông màu hợp lý. Tiếp theo là phần hậu kỳ với tiết tấu và mạch phim rõ ràng, phù hợp với màu sắc và bố cục của bộ nhận diện thương hiệu. Và cuối cùng là hiệu quả âm thanh, ánh sáng thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng".
Mỗi đoạn corporate video hợp lý thường có thời lượng khoảng 3 phút, là thời gian đủ để người xem tập trung cao độ nhất. Ngắn gọn, súc tích và tinh tế là tiêu chí hàng đầu của corporate video.
Tại Việt Nam, không hiếm những doanh nghiệp làm corporate video dài đến 15, 20 phút khiến người xem không khỏi ngán ngẩm với tiết tấu chậm, mạch phim rời rạc. Đa phần là những phát biểu của các vị giám đốc, cup và giải thưởng đạt được, chương trình từ thiện...
Làm corporate video cần đặt mình vào vị thế của người xem để cảm nhận được tâm lý và sự đón nhận của họ. Không chỉ tiếp cận khách hàng, corporate video được ứng dụng khá rộng rãi: hội nghị khách hàng, huấn luyện nhân viên, website, hội chợ, triển lãm hoặc phát sóng tại hệ thống LCD tại các tòa nhà hay thậm chí có thể phát sóng trên tivi...
Corporate video là công cụ quảng bá hình ảnh khá hiệu quả cho doanh nghiệp bởi tính linh hoạt cao, chi phí hợp lý.
Ở đây, chúng tôi chỉ đưa ra một số gợi ý cơ bản nhất.
Tiền sản xuất
- Phải đầu tư thật nhiều cho ý tưởng kịch bản, càng chi tiết càng tốt.
- Cần bổ nhiệm một người chịu trách nhiệm quản lý cho toàn dự án.
- Cần có đạo diễn giỏi.
- Thời lượng tốt nhất cho một Corporate video không nên kéo dài quá 3 phút, bởi đây là khoảng thời gian người xem tập trung cao độ nhất.
- Nên có ý tưởng và hình ảnh đặc thù xuyên suốt phim, đó có thể là sự lặp lại của logo mỗi khi sang chương mới hay là hình ảnh của MC giới thiệu từng chủ đề.
Chuẩn bị trước khi quay
- Phổ biến kịch bản cho toàn công ty, nhất là các bô phận liên quan để trong quá trình quay phim có phát sinh gì thì cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực từ các phòng ban khác.
- Bàn giao công việc chuẩn bị chi tiết đến từng đơn vị, cá nhân có liên quan trong
kịch bản.
- Nhân viên trong ngày quay cần có công việc cụ thể phải làm để việc lên khung hình được thuận lợi, vì họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp nên rất dễ sai sót. Một số đơn vị sẵn sàng thuê diễn viên đóng trong những cảnh đòi hỏi diễn xuất khó.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét